HỆ TIÊU HÓA KHỎE MẠNH
Do cấu trúc cơ thể chưa hoàn chỉnh, chưa có ý thức về vệ sinh cá nhân và cách phòng tránh lây nhiễm các mầm bệnh từ môi trường, nên trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh đường tiêu hóa.Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh là chìa khóa vàng giúp trẻ mau lớn và thông minh.
Cấu trúc và chức năng của hệ tiêu hóa
Hệ tiêu hóa được chia thành nhiều phần, mỗi phần có chức năng riêng. Ống tiêu hóa bắt đầu là miệng, sau đó lần lượt là hầu – thực quản – dạ dày – ruột non – ruột già – trực tràng - ống hậu môn, cuối cùng là hậu môn; các cấu trúc khác giúp quá trình tiêu hóa – hấp thu diễn ra hoàn hảo là răng, lưỡi, tuyến nước bọt, tuyến tụy, gan và túi mật.
Quá trình tiêu hóa gồm nhiều giai đoạn nhằm cắt các thực phẩm được cung cấp từ bữa ăn hàng ngày thành các phân tử nhỏ nhất giúp cơ thể hấp thu, sử dụng cho hoạt động sống, tăng trưởng, học tập và làm việc.
Đặc điểm hệ tiêu hóa của trẻ em
- Tuyến nước bọt của trẻ sơ sinh chưa biệt hóa, đến tháng tuổi thứ 4 mới phát triển hoàn toàn, vì vậy, lượng nước bọt sẽ tăng dần theo tháng tuổi.
- Thực quản ngắn, có hình chóp nón, vách thực quản mỏng, tổ chức đàn hồi chưa phát triển, cơ thắt tâm vị yếu..
- Dạ dày của trẻ nhỏ có hình tròn, nằm ngang và dung tích rất nhỏ, lúc mới sinh là 30 – 35 ml; đến 3 tháng tuổi là 100 ml; 1 tuổi: 250 ml; trong khi dung tích dạ dày của người trưởng thành từ 1.500 đến 3.000 ml.
- Dịch vị có hoạt tính kém.
- Mạc treo ruột tương đối dài, manh tràng ngắn và di động nên trẻ dễ bị xoắn ruột.
- Hệ vi khuẩn thường trú trong ruột còn non yếu dễ bị mất cân bằng khi gặp yếu tố bất lợi hoặc khi sử dụng kháng sinh điều trị bệnh nhiễm trùng.
Bệnh tiêu hóa thường gặp ở trẻ em
Đau bụng colic: Cơn đau thường vào buổi chiều tối khiến trẻ quấy khóc không dỗ được, đau bụng không kèm ói, chướng bụng, tiêu chảy, đặc biệt là trẻ vẫn tăng cân tốt.Đau bụng thường hết khi trẻ lớn.
Trào ngược dạ dày thực quản: là hiện tượng trào những chất chứa trong dạ dày lên thực quản, do thực quản của trẻ ngắn, phần dưới lại nở rộng, cơ tâm vị co thắt yếu. Trẻ thường nôn nhiều lần trong ngày, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng cân nặng lẫn chiều cao. Nếu trẻ nôn ít, bú khỏe, tăng cân tốt thì không cần điều trị, hiện tượng này sẽ giảm dần khi trẻ lớn.
Táo bón: Táo bón được xác định khi trẻ có số lần đại tiện ít hơn bình thường, phân cứng, và đôi khi có máu. Táo bón rất thường gặp ở những trẻ biếng ăn, khẩu phần ăn ít rau – trái cây, sử dụng loại sữa không phù hợp, ít uống nước…
Táo bón kéo dài sẽ dẫn đến các biến chứng nặng như: sa niêm mạc trực tràng, rách niêm mạc trực tràng, trĩ…
Tiêu chảy: là bệnh rất thường gặp ở trẻ em, có thể do nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng hoặc rối loạn hệ vi khuẩn trong ruột do dùng kháng sinh điều trị bệnh nhiễm trùng.Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có các biểu hiện nặng của rối loạn nước – điện giải, như bỏ ăn, bỏ bú, lừ đừ, tiểu ít, khóc không có nước mắt.
Nhận biết hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh thường có những biểu hiện sau đây:
- Ăn tốt và ngủ ngoan.
- Ít mắc các rối loạn về tiêu hóa, như táo bón, tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi…
- Phát triển tốt về cân nặng, chiều cao lẫn trí thông minh.
- Da niêm mịn và hồng hào.